Mỗi dịch vụ của Sức Sống Trẻ đều mang đến những hơi thở, tầm nhìn mới và công cụ mới nhất của Nghệ thuật Marketing hiện đại. Với chúng tôi, chất lượng chính là thước đo hiệu quả công việc.
TV SHOW
Với kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực Marketing 360° tại Việt Nam, Sức Sống Trẻ tự tin cung cấp cho các bạn những chiến dịch tiếp thị hỗn hợp hay hoạt động đơn lẻ mà chúng tôi đi theo hướng đồng bộ và tích hợp tất cả các công cụ truyền thống trên cơ sở nhất quán...
DỊCH VỤ
Chúng tôi cung cấp các dịch vụ truyền thông, quảng cáo, sản xuất chương trình
Cập nhật thông báo, tin tức, các sự kiện vừa diễn ra
Bí xanh thơm là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Đây là cây dễ trồng, dễ bảo quản sản phẩm, cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ.
Cây bí xanh Ba Bể có hai loại, loại vỏ xanh đậm được gọi là bí xanh thơm và loại vỏ phủ phấn trắng gọi là bí phấn thơm. Bí xanh ở đây có nhiều điểm khác biệt so với quả bí xanh thông thường nhờ hình dáng thon, dài, cả thân và quả đều có mùi thơm rất đặc trưng.
Trồng bí xanh thơm mang lại thu nhập cao cho nhiều nông hộ ở huyện Ba Bể. Ảnh: Ngọc Tú.
Những năm trước, gia đình bà Nông Thị Chiêm ở thôn Nà Đúc, xã Địa Linh (huyện Ba Bể) trồng cây bí xanh thơm với diện tích nhỏ, nhưng nhờ có thu nhập ổn định nên hiện nay trồng thường xuyên khoảng 0,5ha. Mỗi vụ, gia đình bà Chiêm thu được khoảng 18 tấn quả. Vào đầu vụ, 1kg bí xanh thơm có giá khoảng 10.000 đồng, trung bình cũng đạt từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Chỉ sau 4 tháng trồng và chăm sóc, bà Chiêm thu về không dưới 100 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng ngô, trồng bí xanh thơm mang lại thu nhập cao gấp 4 lần.
Nhờ hiệu quả cao, thời gian trồng ngắn, cây bí xanh ngày càng được bà con ở huyện Ba Bể trồng nhiều. Trước đây, cây bí xanh chủ yếu trồng ở các xã Địa Linh, Yến Dương, nay đã phát triển sang các xã Chu Hương, Thượng Giáo, Hà Hiệu... với tổng diện tích trên 100ha.
Nhờ hiệu quả cao nên diện tích trồng bí xanh thơm ngày càng mở rộng. Ảnh: Ngọc Tú.
Ông Dương Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã Địa Linh cho biết, năm 2023, toàn xã trồng được 78ha cây bí xanh, đầu ra một phần được các HTX trên địa bàn huyện cam kết thu mua để chế biến, còn lại bà con bán cho tư thương. Năng suất trung bình đạt khoảng 35 tấn/ha, nếu tính giá bán bình quân trên thị trường là 7.000 đồng/kg thì 1ha có thể cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng, đây là nguồn thu không nhỏ đối với người dân ở đây. Nhiều năm gần đây, bí xanh thơm là cây trồng chủ lực của xã, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Tỉnh Bắc Kạn xác định cây bí xanh thơm có tiềm năng để phát triển thành vùng nông sản đặc sản. Do đó, không chỉ mở rộng diện tích, nông hộ ở huyện Ba Bể còn tập trung ứng dụng kỹ thuật vào canh tác, thâm canh quy mô lớn nên sản lượng và chất lượng quả bí xanh thơm ngày càng cao.
Đáng chú ý, sau nhiều năm nghiên cứu, tỉnh Bắc Kạn đã phục tráng thành công giống bí xanh Ba Bể, mô hình đã cho năng suất đạt từ 30 đến 35 tấn/ha, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn làm giống trên 60%. Sở KH-CN tỉnh Bắc Kạn đã bàn giao 5 tấn quả bí giống cho địa phương để sản xuất giống phục vụ người dân.
Du khách thưởng thức trà bí xanh khi đến tham quan trải nghiệm vườn bí tại huyện Ba Bể. Ảnh: Ngọc Tú.
Theo Sở KH-CN, đề tài phục tráng giống bí xanh Ba Bể còn hoàn thành thủ tục công nhận giống và được Bộ NN-PTNT công nhận giống lưu hành đặc cách. Việc công nhận giống là yếu tố quan trọng để giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể trong thời gian tới.
Song song với nâng cao chất lượng, chính quyền địa phương cũng nỗ lực đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân. Trên địa bàn huyện Ba Bể đã có 3 HTX (HTX Yến Dương; HTX Thanh Đức; HTX Nhung Lũy) liên kết với các nông hộ để bao tiêu sản phẩm bí xanh thơm. Khi mùa thu hoạch đến, các HTX này thu mua, kết nối với các siêu thị, đại lý trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, một số HTX cũng chế biến quả bí thành những sản phẩm như trà bí xanh, bí xanh khô…
Vườn trồng bí xanh thơm trở thành điểm du lịch trải nghiệm thú vị với du khách. Ảnh: Ngọc Tú.
Bà Ma Thi Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết, bí xanh thơm Ba Bể đã là sản phẩm OCOP nên việc tiêu thụ thuận lợi, các siêu thị ngày càng nhập nhiều hàng hơn. Bên cạnh đó, HTX cũng thu mua tích trữ để chế biến nên đầu ra của quả bí xanh thơm cơ bản được đảm bảo.
Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác về giống, vật tư, phân bón, tư vấn xây dựng liên kết, đăng ký thương hiệu chỉ dẫn địa lý để giúp phát triển cây bí xanh ổn định, bền vững.
Ngọc Tú ( Nông Nghiệp Việt Nam)
Thiên lý dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, giá bán cao và đầu ra ổn định… là những nhận định của ông Võ Văn Mết (xã Phú Lâm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Từ mô hình trồng hoa thiên lý, gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đặc biệt không phải lo đầu ra như nhiều loại cây trồng khác.
Nhạy bén lựa chọn trồng hoa thiên lý
Những năm gần đây, xã Phú Lâm, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Tiêu biểu như mô hình trồng hoa thiên lý ứng dụng công nghệ cao của ông Võ Văn Mết (ấp Phú Thuận B).
Gắn bó với mô hình trồng thiên lý được hơn 3 năm, ông Mết hiểu rõ tính nết của loại cây trồng này. Ông cho biết, thiên lý là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh nên chi phí chăm sóc không đáng kể.
“Thiên lý từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 3 tháng. Trong quá trình canh tác, chỉ cần tưới nước thường xuyên, bón phân điều độ là cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Một trong những ưu điểm nổi bật của thiên lý là cho hoa liên tục nên hầu như ngày nào cũng thu hoạch. Bên cạnh đó, việc thu hái khá đơn giản, người già, trẻ nhỏ đều có thể làm được” - ông Mết chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Mết đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt tự động trên diện tích trồng hoa thiên lý của gia đình. Nhờ vậy, thời gian, công sức chăm sóc được tiết kiệm đáng kể, đồng thời chủ động nguồn nước tưới cho cây.
Nhờ trồng thiên lý đã giúp gia đình ông Mết có thu nhập ổn định
Thời gian gần đây, ông Mết còn sử dụng đèn chiếu sáng để kéo dài thời gian quang hợp và kích thích cho cây ra hoa. Với diện tích 1.000m2, ông đầu tư chi phí từ khâu làm đất, cây giống, làm giàn, hệ thống tưới và gắn đèn thắp sáng… khoảng 70 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đã thu hồi được nguồn vốn đầu tư.
“Đèn chiếu sáng thường sử dụng vào các tháng có ngày ngắn, đêm dài để tăng cường thêm thời gian chiếu sáng, kích thích cây ra nhiều hoa. Thời gian chiếu sáng thường mỗi đêm 2 lần, từ 18-21 giờ tối và từ 3 giờ cho đến sáng hôm sau” - ông Mết chia sẻ.
Hiệu quả kinh tế
Với mô hình trồng thiên lý, ông Mết tin tưởng đây là sự lựa chọn đúng đắn. Ba năm qua, nhờ loại cây trồng này mà thu nhập gia đình ông được cải thiện, cuộc sống ngày càng nâng cao.
Ông Mết cho biết, thời điểm thiên lý ra hoa chính vụ bắt đầu từ tháng 2-7 hàng năm, sau đó được tính là trái vụ. “Những lúc chính vụ, mỗi ngày gia đình tôi thu hoạch 25-30kg, bán cho thương lái với giá 50.000-60.000 đồng/kg. Những tháng trái vụ, thiên lý cho năng suất thấp hơn, khoảng 20-25kg/ngày. Tuy nhiên, giá bán khá cao, từ 100.000-150.000 đồng/kg. Đặc biệt, thời điểm Tết Nguyên đán, hoa thiên lý rất hút hàng, có bao nhiêu, thương lái cũng thu gom hết” - ông Mết phấn khởi.
Mô hình trồng hoa thiên lý của gia đình ông Võ Văn Mết là hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Phú Lâm. Ngoài cung cấp hoa cho thị trường, ông Mết còn cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân có nhu cầu phát triển sản xuất, đồng thời thu mua hoa thiên lý của họ.
Theo lãnh đạo xã Phú Lâm, mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Hoa thiên lý phù hợp với nhiều loại đất trồng, đặc biệt đối với những hộ có diện tích canh tác hạn chế.
Thực tế cho thấy, mô hình trồng thiên lý của gia đình ông Võ Văn Mết bước đầu thành công. Tuy nhiên, theo khuyến cáo ngành chức năng, nông dân không nên trồng ồ ạt loại cây này vì dễ dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, rớt giá, phải kêu gọi “giải cứu” như đã từng xảy ra với nhiều loại nông sản trong thời gian gần đây. Quan trọng hơn hết, người trồng hoa thiên lý phải trang bị những kiến thức cần thiết để có thể phát triển thành công mô hình này.
Đức Toàn (Báo An Giang)
Anh Huỳnh Lương Nhân cùng nhóm bạn khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm mối đen, với 120m2 diện tích nhà kín, mỗi ngày thu về 3 - 8,7 triệu đồng. Hiện mô hình đang dự kiến nhân rộng và liên kết với doanh nghiệp để tiến tới xuất khẩu.
nh Huỳnh Lương Nhân, 28 tuổi ở quận Ô Môn, TP.Cần Thơ cho biết, anh và nhóm bạn của mình vừa xây dựng thành công mô hình trồng nấm mối đen.
Anh Huỳnh Lương Nhân ở quận Ô Môn, TP.Cần Thơ thành công với mô hình trồng nấm mối đen. Ảnh: Huỳnh Xây
Hiện, anh Nhân và các cộng sự đang làm mô hình điểm tại nhà nông dân Nguyễn Văn Phương (SN 1963), ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Diện tích trồng nấm mối đen nơi đây là 120m2 (15.000 phôi).
Hiện, cơ sở này đang thu hoạch được 15-25 kg nấm mối đen/ngày (tùy thời điểm), với giá bán nấm mối đen từ 200.000 - 350.000 đồng/kg, giúp anh Nhân thu về từ 3 - 8,7 triệu đồng.
Theo anh Nhân, khách hàng tiêu thụ nấm mối đen là các nhà hàng, siêu thị và quán ăn ở TP.HCM và các tỉnh miền Trung. Sắp tới, anh sẽ hợp tác tiêu thụ nấm mối đen với các công ty xuất khẩu ra nước ngoài.
Nấm mối đen phát triển tốt trong nhà kín. Ảnh: Huỳnh Xây
Giá nấm mối đen bán lẻ khoảng 300.000 đồng/kg. Ảnh: Huỳnh Xây
Theo anh Nhân, trồng nấm mối đen nói dễ không dễ, nói khó không khó, chẳng qua là biết kỹ thuật trồng hay không. Ảnh: Huỳnh Xây
Anh Nhân cho biết, bản thân thấy tiềm năng trồng cây nấm mối đen rất cao (giá bán cao hơn các loại nấm dễ trồng khác, dinh dưỡng cao tương tự như với nấm mối ngoài tự nhiên) nên quyết định tìm hiểu và đầu tư từ tháng 6 năm 2022.
Lúc đầu anh chỉ trồng khoảng 1.500 phôi (có nguồn gốc Thái Lan để vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm. Sau thời gian cải thiện quy trình liên tục, số phôi trồng tăng lên liên tục và hiện nay là 15.000 phôi.
"Trồng nấm mối đen nói dễ không dễ, nói khó không khó, chẳng qua là biết kỹ thuật trồng hay không. Nếu được trồng trong nhà kín, kiểm soát được môi trường, nhiệt độ duy trì từ 26-28 độ C, độ ẩm trên 80%, không gian sạch thì nấm mối phát triển tốt" - anh Nhân chia sẻ.
Theo anh Nhân tính toán, nếu trồng trong điều kiện tốt như đã nói ở trên, 1 phôi có thể thu hoạch từ 4-5 tháng, đạt năng suất từ 250-300 gram thành phẩm.
Trong quá trình trồng, anh sử dụng giá thể cát để cho nấm mối đen có màu sắc đẹp hơn, dễ sơ chế và hạn chế được tình trạng dịch hại tấn công.
Do rất ít người trồng nấm mối đen nên anh Nhân quyết định nhân rộng mô hình bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế nhà trồng và cung cấp phôi cho người dân vùng ĐBSCL, trước mắt sẽ nhân rộng mô hình ở tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, bao tiêu đầu ra cho khách hàng.
Để đạt hiệu quả cao, phải luôn kiểm soát được quy trình kỹ thuật trong quá trình trồng nấm mối đen. Ảnh: Huỳnh Xây
Anh Huỳnh Lương Nhân đang dự định sẽ nhân rộng mô hình trồng nấm mối đen. Ảnh: Huỳnh Xây
Nấm mối đã qua khâu sơ chế làm sạch. Ảnh: Huỳnh Xây
Anh Nhân cho rằng, nếu đầu tư từ 70-100 triệu đồng cho nhà kín trồng nấm mối đen, sau 6 tháng có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lợi nhuận trên 50% sau đó. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, phải luôn kiểm soát được quy trình kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, trước đây gia đình ông trồng bưởi. Tuy nhiên, vài năm gần đây cây bưởi không phát triển tốt nên đã chuyển sang trồng sầu riêng. Trong thời gian chờ cây sầu riêng lớn cho trái, gia đình ông quyết định hợp tác với nhóm của anh Nhân để thực hiện mô hình điểm trồng nấm mối đen.
"Nấm mối đen ngày xưa chỉ có người dân nông thôn ăn, chứ người dân ở thành thị không biết đâu. Vì nó chỉ xuất hiện ở khu vườn tạp, có độ ẩm cao. Do đặc điểm ăn ngon, tốt cho sức khỏe nên người dân ở đâu cũng nghe và biết đến loại nấm này
Ông Phương nhận thấy, mô hình trồng nấm mối đen rất hiệu quả. Ngoài hiệu quả về kinh tế đã nêu, sau khi thu hoạch hết các đợt nấm mối đen, phần phụ phẩm bỏ đi còn ông Phương dùng để bón lót cho gốc cây sầu riêng (có xử lý bằng thuốc trichoderma).
Anh Huỳnh Lương Nhân cho hay, ở ĐBSCL, nấm mối có ngoài tự nhiên ăn rất ngon nhưng số lượng ít, rất khó kiếm, nó phát triển phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Còn nấm mối đen có dinh dưỡng tương tự và trồng được quanh năm. Mỗi ngày mô hình của anh thu hoạch 4 lần (nấm lớn rất nhanh), có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết nên rất an tâm về đầu ra cũng như về kỹ thuật trồng.
Huỳnh Xây ( Dân Việt)
Mô hình kinh tế tổng hợp, trong đó có trồng chanh bông tím của ông Hoàng Văn Hiền cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Vậy nhưng ông Hiền lại là người mắc chứng "sợ khen" nên khi được đề nghị kê khai thu nhập để khen thưởng, tặng danh hiệu...nông này luôn tìm cách từ chối.
Bôn ba học cách làm giàu
Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn về gương sản xuất kinh doanh giỏi của xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Hiền tại thôn Nam Đội Thân để được mục sở thị mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập khủng của lão nông này.
Rừng mơ 30 năm tuổi của ông Hoàng Văn Hiền, thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng TP. Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng
Ngôi nhà cấp 4 của ông Hiền khá đơn sơ, khuất lấp sau khu xưởng chế biến thô quả mơ vàng của gia đình. Mơ Bắc Kạn chưa vào vụ nên khu xưởng khá im lìm, trên tấm phản phía trong nhà xưởng chế biến có dăm chục buồng chuối được xếp ngay ngắn. Ông bảo chuối mới chặt về chăn cầy hương đấy. Hiện ông Hiền đang nuôi thử nghiệm 7 con cây hương.
Từng một thời được gọi coi là "vua chuối" của đất Bắc Kạn, người đàn ông có gương mặt hiền lành, khắc khổ đang ngồi trước chúng tôi trải qua đủ thứ nghề để có được cơ ngơi bạc tỉ như hiện nay. Tuy nhiên ông lại là người rất sợ nói về mình. Chúng tôi đã phải thuyết phục bằng sự gần gũi, chia sẻ ông mới chịu mở lòng.
Ông Hoàng Văn Hiền dẫn khách thăm vườn chanh của gia đình tại thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng
Những tháng ngày lang bạt ngoài tỉnh đã giúp ông tích lũy kinh nghiệm và bén duyên với nghề nông. Ông kể, trong một chuyến đi Bắc Giang tìm hướng làm giàu, vô tình ông được một bạn đường bày cho việc trồng và thu mua chuối quả.
"Sau lần trò chuyện ấy, người bạn đường đã lên Bắc Kạn khảo sát và đề nghị hợp tác đưa chuối Bắc Kạn về xuôi. Bắc Kạn hồi ấy chuối nhiều nhưng không có mối bán. Tôi đã quyết định vừa trồng vừa thu mua để đưa chuối về Bắc Giang và một số tỉnh lân cận.
Chuối Bắc Kạn ngọt vị, rất được khách hàng ưa dùng, lúc cao điểm có thể bán cả nghìn tấn. Cây chuối là cây sớm cho thu nhập, khi có đầu ra, người dân rất hăng hái trồng. Từ làm chuối tôi có tiền mua rừng để trồng thêm cây mơ, cây quế và cây chanh như hiện nay", ông Hiền chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Hiền hái chanh cho khách tại vườn chanh ở thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng
Thời điểm chúng tôi có mặt, 2ha cây chanh bông tím tứ mùa của ông Hiền đang vào vụ chính. Từ chân núi đã nghe gió thoảng hương chanh dìu dịu khiến người bạn đi cùng đứng ngồi không yên, chỉ muốn được lên ngay vườn chanh quý của ông Hiền.
Dẫn chúng tôi men theo lối mòn nhỏ vào giữa vườn chanh, chủ vườn cho biết, đây là giống chanh bốn mùa Đà Lạt, tuy là chanh bốn mùa nhưng quả sai nhất vẫn là vào vụ xuân. Chính vụ, vườn chanh nhà lão nông này luôn tấp nập bước chân của khách đường xa lần đến.
Nói về vườn chanh này, ông Hiền kể, chỉ với 60 gốc chanh ban đầu được bạn gửi ra từ Đà Lạt, khi trồng thử thấy chanh cho quả mọng và rất sai, ông đã quyết định đầu tư mở rộng diện tích trồng chanh của gia đình.
Sau một thời gian dài miệt mài ghép, chiết, ông Hiền đã có được 1000 gốc chanh để có vườn chanh trĩu quả, cho sản lượng 80 tấn quả trên năm như bây giờ.
Ông Hiền giới thiệu cho khách sự khác biệt của quả chanh bông tím tứ mùa với các giống chanh khác. Ảnh: Chiến Hoàng
"Giá chanh vào vụ chính có thể lên đến 40.000đ/kg. Mùa cao, mùa thấp tính trung bình cũng được 20.000đ/kg. Trừ chi phí ước đạt khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Cây chanh là cây cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc chăm sóc cây lại khá khó, luôn phải tỉ mỉ quan sát triệu chứng bệnh để có biện pháp phòng ngừa chứ để đến khi bệnh thì sẽ lan rất nhanh và thiệt hại cũng rất lớn", ông Hiền chia sẻ.
Theo ông Hiền, để cây chanh khỏe, ông đã ghép chanh bông tím với cây bưởi da xanh. Đặc điểm cây bưởi da xanh tuổi thọ cao, rễ chắc nên phát triển rất nhanh, quả cũng ra nhiều.
Ngoài trồng chanh bông tím tứ mùa, lão nông này còn trồng thêm 3ha cây quế. Ông bảo, cây quế trồng mới hơn 9 năm nhưng vừa rồi khai thác 1,5ha, trừ mọi chi phí cũng đã dành ra được khoảng 400 triệu đồng.
Cũng theo ông Hiền, khi Bắc Kạn vào vụ mơ, gia đình ông còn thu mua, chế biến thô hơn 700 tấn mơ vàng bán về các tỉnh miền xuôi. Cao điểm, số tiền quay vòng có thể lên đến cả chục tỉ đồng.
Từ việc trồng chanh, quế và thu mua chế biến thô quả mơ vàng, hằng năm gia đình ông Hiền giải quyết được khoảng 50 lao động thời vụ (liên tục trong 3 tháng) và khoảng 5 lao động thường xuyên tại địa phương, tạo thu nhập cho người lao động từ 7 - 10 triệu đồng mỗi người/tháng.
Trao đổi với phóng viên, bà Triệu Thị Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nông Thượng, cho biết, mô hình kinh tế tổng hợp của hội viên nông dân Hoàng Văn Hiền rất hiệu quả. Chúng tôi cũng đang tuyên truyền để nhân rộng mô hình trên.
"Hiện nay trong xã cũng đã có một số hộ trồng cây chanh bông tím, nhưng hiệu quả thấp do sâu bệnh nhiều. Khi chúng tôi đặt vấn đề, hội viên Hoàng Văn Hiền đã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên nông dân khác tại địa phương.
Tuy thu nhập cao, làm kinh tế giỏi nhưng ông Hiền rất khiêm tốn nên trong những lần Hội đề nghị kê khai thu nhập để biểu dương thành tích, nhận danh hiệu… ông Hiền đều từ chối", bà Hiếu cho biết thêm.
Có thể khẳng định, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Hoàng Văn Hiền là mô hình rất hiệu quả và cần nhân rộng tại tỉnh Bắc Kạn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hiền đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần tích cực vào việc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chiến Hoàng ( Dân Việt)